Từ tháng giêng đến tháng 3 âm lịch, vùng biển Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh) nhộn nhịp tàu thuyền khai thác sứa. Ngư dân vẫn gọi việc đánh bắt sứa là vớt vàng trên biển bởi thu nhập cao và dễ làm.
Ngư dân gọi nghề đánh bắt sứa là vớt vàng trên biển.
Hơn 10 năm trước, vào mùa sứa, dẫu có cả triệu con trôi nổi dập dềnh trên biển cũng chẳng mấy ngư dân đánh bắt mà chỉ để tâm tránh sứa không làm rách lưới. Nhưng mấy năm trở lại đây, khi thị trường Trung Quốc chuộng sứa để chế biến thực phẩm thì đánh bắt sứa lại là một phần thu nhập không nhỏ của người đi biển. Họ vẫn gọi công việc đánh bắt sứa là “vớt vàng trên biển”.
Nghề đánh bắt sứa đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho các ngư dân.
12h đêm, vén màn sương mù dày đặc của những ngày cuối tháng 2, ông Nguyễn Văn Đàn (xã Minh Châu, Vân Đồn, Quảng Ninh) nổ máy khởi động con tàu từ xã đảo Minh Châu ra khơi. Theo ông Đàn, đây là thời điểm vàng để đi đánh bắt sứa. Ông Đàn phụ trách điều khiển tàu, những thành viên còn lại trong gia đình thoăn thoắt rũ lưới.
Để đánh bắt sứa phải đi từ đêm.
Anh Thắng, con rể của ông Đàn, vừa rũ lưới thả dần xuống biển vừa giải thích: “Chiếc lưới này dài gần 2 km để thả dọc quãng đường từ điểm xuất phát ra đến khu vực neo. Trông thì đơn giản nhưng nếu không cẩn thận sẽ thả chồng lên lưới của nhà khác thì phải tốn công thu lưới về và thả lại lần nữa. Đặc biệt những hôm sương mù dày đặc thế này thì phải căng mắt ra để nhìn mới không chồng lưới…”.
Dọc hải trình, trong màn đêm ken đặc thỉnh thoảng lấp lánh ánh điện. Đó là ánh đèn của cả nghìn phương tiện cũng đang vào cuộc vớt sứa. Trên mỗi tàu đều trang bị ít nhất một bóng đèn công suất lớn (khoảng 1.000W) để phục vụ việc đánh bắt buổi đêm. Sau 3 giờ lênh đênh, tàu ông Đàn đến điểm neo và chờ đợi từng dòng sứa trôi nổi vướng lưới. Công đoạn này mất khoảng 2-3 giờ.
Mùa sứa vào cỡ độ tháng giêng đến tháng 3 âm lịch.
Ông Đàn cười bảo: “Thả lưới và neo tàu là nhàn nhất trong hải trình vớt sứa mỗi ngày. Sau khoảng thời gian này mới vất vả”. Gắn bó với nghề đi biển gần 30 năm, ông Đàn bảo vui nhất vẫn là vào mùa sứa cỡ độ từ giữa tháng giêng đến tháng 3 âm lịch. Vào mùa gia đình ông cũng như hàng nghìn hộ khác ở dọc khu vực biển phía Bắc, có cả dân miền Trung, đổ về biển Vân Đồn, Cô Tô để vớt sứa.
“Mà cũng lạ, chỉ chừng 5 năm trở lại đây khi Trung Quốc bắt đầu đi thu mua sứa ngày một nhiều thì ở đây mới đông vui thế, chứ ngày xưa sứa trôi đầy trên biển chẳng ai vớt. Vớt sứa vất vả lắm, nhưng thu nhập gấp vài chục lần so với đánh bắt hải sản. Thế nên ai cũng ham, tận dụng triệt để mùa sứa để đi đánh bắt bất kể ngày đêm. Nhà nào có tàu lớn thì sau một vụ thu cả trăm triệu đồng, tàu nhỏ hơn như nhà tôi sau khi trừ chi phí cũng được dăm bảy chục triệu đồng”, ông Đàn kể.
Đưa sứa về chế biến.
Là loài di chuyển chậm chạp, sứa vướng lưới gần như chẳng di chuyển gì. Lần lượt các thành viên trong gia đình ông Đàn vớt sứa cho vào khoang thuyền. Công đoạn này trông thì dễ nhưng thực chất khá mất sức vì sứa mang theo cả nước biển nên rất nặng. Trung bình mỗi con sứa khoảng 15-20 kg, có con to lên đến 60 kg.
Chuẩn bị đưa đi bán.
Sau 2 giờ lao động cật lực, khi đã đầy ắp sứa trong khoang, tàu ông Đàn rời điểm neo, cập điểm thu mua tại xã đảo Minh Châu, lúc này khoảng 10h sáng. Việc mua bán sứa diễn ra nhanh chóng vì để lâu sứa teo nhỏ, bán không được giá. Trung bình mỗi tàu chỉ mất 30 phút để chuyển toàn bộ sứa của tàu mình sang tàu của thương lái. Tính theo đầu sứa thương lái mua 25.000-45.000 đồng. Đang vào thời điểm vụ chính, sứa to nên trung bình một ngày đêm một tàu có thể thu nhập 10-15 triệu đồng. Phương tiện đánh bắt đơn lẻ, công suất nhỏ thu vài triệu đồng một đêm.
Từng chứng kiến nhiều mùa sứa, nhưng ngư dân ở xã đảo Minh Châu đều khẳng định, trong 5 năm trở lại đây, mùa sứa năm nay là bội thu nhất. Mỗi thùng sứa được đóng với trọng lượng 13-15 kg, giá bán dao động từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Riêng sứa đỏ, người ta bán đến hàng chục triệu đồng/thùng.
Đến nay, thị trường quốc tế lớn và duy nhất của sứa vẫn là Trung Quốc. Sứa khai thác và sơ chế được bao nhiêu thương lái Trung Quốc thu mua hết bấy nhiêu. Chỉ có khoảng 20% sứa được tiêu thụ trong thị trường nội địa.
No Responses to “Nhộn nhịp mùa đánh bắt sứa trên đảo Cô Tô”